Triển khai giáo dục Stem tại trường tiểu học Nam Tiến

            Văn hóa đọc mở đường cho STEM

          Tháng 10 năm 2014, sau cuộc nói chuyện điện thoại với bạn Vũ Thị Thu Hà – một người con quê Đồng Sơn, Nam Trực, Nam Định, thành viên của chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng, chúng tôi đã tìm được hướng giải quyết bế tắc của đơn vị mình trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Nhờ sự kết nối của Hà, chúng tôi ngay lập tức nhận được hỗ trợ của các bạn cựu học sinh của trường 10 tủ sách cho 10 lớp học, một điều kiện thuận lợi cơ bản nhất đối vớí chúng tôi khi triển khai xây dựng và rèn thói quen đọc sách cho học sinh.

       Không chỉ giúp về mặt vật chất, Hà luôn đồng hành với chúng tôi trong các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc đọc, các hoạt động khuyến đọc. Cảm phục tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội của Hà, đồng thời nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, chúng tôi đã rất chú trọng đến việc xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã đạt được kết quả tương đối khả quan: học sinh đã đọc sách thường xuyên, nhiều em rất hứng thú với việc đọc, cha mẹ học sinh phấn khởi, xã hội đã bắt đầu quan tâm, số lượng sách được nhân lên rất nhanh, đặc biệt việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc của trường chúng tôi đã được chia sẻ và lan tỏa đến nhiều trường trong huyện, trong tỉnh.

a122 a111 a113

          Tháng 5 năm 2015, cũng nhờ có sự kết nối của Hà, hơn 40 cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh của trường chúng tôi đã có mặt tại Ngày hội STEM Quốc gia lần thứ nhất được tổ chức tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ở đó, lần đầu tiên chúng tôi được nghe đến cụm từ STEM. Và đó là một buổi trải nghiệm vô cùng quý giá đối với tất cả cô trò chúng tôi. Điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi đó là hình ảnh các em học sinh của mình, lần đầu tiên bước chân lên Hà Nội, được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm vô cùng mới mẻ nhưng không một chút rụt rè mà trái lại rất say mê và tự tin, có em còn lên hẳn sân khấu tại hội trường lớn để tham gia trình diễn những thí nghiệm vui cùng các anh, chị tình nguyện viên. Từ giây phút đó, trong tôi đã nhen nhóm ý nghĩ, mình phải làm gì đó cho học sinh của mình.     

a1

 

a2 a3

          Đến cuối năm 2015, chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam đã được các bạn cựu học sinh, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh của các trường trong tỉnh Nam Định, … hưởng ứng tích cực. Ở một số trường, 100% lớp học đã có tủ sách. Để việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc không chỉ là phong trào, để quản lý chất lượng sách đưa vào các nhà trường, để tăng cường hiệu quả tủ sách lớp học và để giúp các đơn vị, các địa phương chưa xây dựng được tủ sách lớp học, UBND tỉnh Nam Định đã vào cuộc, chỉ đạo trực tiếp. Đồng chí Bạch Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã mở hội nghị chuyên đề: Xây dựng tủ sách lớp học để phát triển văn hóa đọc. Nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, chân thành từ các anh, chị trong  chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam, các cựu học sinh, các nhà hảo tâm đã mang sách về trường, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Nam Trực (đơn vị đã xây dựng và phát huy tốt hiệu quả của nhiều tủ sách lớp học)…, trực tiếp nghe báo cáo những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và khảo sát kết quả phát triển văn hóa đọc của trường chúng tôi, đồng chí Bạch Ngọc Chiến đã chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh nhà chú trọng phát triển văn hóa đọc. Đồng chí cũng đã nhấn mạnh về yêu cầu đổi mới giáo dục và khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, mạnh dạn áp dụng các mô hình, phương pháp, hình thức giáo dục tiến tiến phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi một nhà trường nhằm đạt được mục tiêu giáo dục hiện nay.

          Ngay sau đó, để nhân rộng mô hình này, tỉnh Nam Định đã phát động chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học tại tỉnh Nam Định” với mục tiêu phủ sách toàn bộ 10 huyện và thành phố của tỉnh để 424.575 em học sinh của 12.662 lớp và nhóm lớp học từ mầm non, mẫu giáo tới các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và  Giáo dục thường xuyên đều được tiếp cận với sách phù hợp với các em. Một loạt các hoạt động thiết thực được tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Đồng chí Phó chủ tịch UBND Tỉnh Bạch Ngọc Chiến đã gửi thư mời tài trợ đến nhân dân trong và ngoài tỉnh Nam Định, tổ chức phát động chương trình “Xây dựng tủ sách lớp học tỉnh Nam Định” nhân ngày hội sách của tỉnh (29/4/2016); lập website có đầy đủ tài liệu về chương trình, hướng dẫn xây dựng, khuyến đọc, giới thiệu danh mục sách, danh sách trường, thông tin nhà tài trợ, tiến độ triển khai, giới thiệu sách cũ/mới, sách điện tử… với tính tương tác cao và liên tục cập nhật. Sở GD&ĐT tỉnh đã có công văn  số 540/SGDĐT –GDCN&TX ngày 04 tháng 5 năm 2006 chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các nhà trường tích cực triển khai thực hiện Chương trình xây dựng 12662 tủ dách lớp học của UBND tỉnh, Công văn số 1155/SGDĐT-GDCN&TX về tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng 12.662 tủ sách lớp học, ….

Tủ sách lớp học đã góp phần không nhỏ trong phát triển văn hóa đọc của trường chúng tôi. Học sinh từ chỗ chỉ đọc sách giáo khoa, một vài quyển truyện tranh, tủ sách lớp học cùng với các hoạt động hướng dẫn đọc, các hoạt động khuyến đọc của nhà trường đã giúp các em tiếp cận với rất nhiều sách hay ở mọi lĩnh vực: văn học, khoa học, lịch sử, kĩ năng sống, ….. Trong rất nhiều lợi ích của việc đọc sách, phải kể đến đọc sách đã vun đắp cho các em những mơ ước được sáng tạo, được cống hiến, gợi cho các em lòng ham hiểu biết, tính tò mò, thích khám phá. Đó chính là tiền đề để triển khai giáo dục STEM.

          Tại ngày hội STEM Quốc gia lần thứ nhất, chúng tôi được dự các lớp giảng về giáo dục STEM của các chuyên gia, của các nhà khoa học, các nhà giáo uy tín, được trực tiếp trải nghiệm làm các sản phẩm STEM, được tận mắt xem sản phẩm giáo dục STEM của một số đơn vị tham gia ngày hội, chúng tôi thấy giáo dục STEM rất phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục hiện nay. Trên cơ sở những hiểu biết về giáo dục STEM, kết hợp với sự động viên, khuyến khích của lãnh đạo chínhquyền, lãnh đạo ngành các cấp và kết quả của việc xây dựng văn hóa đọc của trường, chúng tôi đã quyết định triển khai giáo dục STEM vào đầu năm 2016.

        Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai giáo dục STEM

       Trước tháng 8 năm 2017, tôi công tác tại trường tiểu học Nam Đồng huyện Nam Trực. Một ngôi trường có quy mô nhỏ (chỉ có 10 lớp học với khoảng hơn 300 học sinh), thuộc vùng nông thôn, người dân trên địa bàn có 2 nghề chính. 50% số hộ dân có nghề nghiệp chủ yếu là trồng lúa nên đời sống ổn định ở quê nhưng mức sống thấp, 50% còn lại theo nghề gia truyền làm phở, làm ăn ở nhiều nơi trên đất nước, kinh tế khá nhưng cuộc sống không ổn định, không có điều kiện trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ con cái. Mặc dù, rất quan tâm đến việc học của con nhưng đa số phụ huynh học sinh phó mặc việc dạy dỗ, giáo dục học sinh cho nhà trường.

          Việc triển khai giáo dục STEM tại trường tiểu học Nam Đồng có một số điều kiện thuận lợi là: nhà trường là một địa chỉ tin cậy nên khi thực hiện đổi mới giáo dục, nhà trường luôn nhận được sự đồng thuận của CMHS và cộng đồng. Học sinh của nhà trường bắt đầu có thói quen đọc sách, nhiều em rất thích tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, kỹ năng giao tiếp, hợp tác khá tốt, đa số mạnh dạn, tự tin. Giáo viên có nhận thức đúng về văn hóa đọc, về giáo dục STEM, được truyền cảm hứng nên rất tích cực học hỏi và sẵn sàng đổi mới. Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, nhà trường cũng có một số khó khăn đó là: Do hạn chế về năng lực, về thời gian nên mặc dù đồng thuận nhưng phụ huynh học sinh chưa tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường; huy động kinh phí mua các nguyên liệu, dụng cụ thực hành từ phụ huynh chưa được nhiều, chủ yếu lấy từ ngân sách ít ỏi của nhà trường. (ngoài chi lương, nhà trường có khoảng 150 -200 triệu đồng cho chi thường xuyên/năm)

           Từ tháng 8/2017, tôi chuyển công tác về trường tiểu học Nam Tiến, huyện Nam Trực. Đây cũng là trường tiểu học thuộc vùng nông thôn, người dân chủ yếu là làm nông nghiệp nên mức sống chỉ đạt mức bình quân chung của huyện. Trường Tiểu học Nam Tiến có 20 lớp, gần 600 học sinh nên có thuận lợi hơn về nhân lực, đội ngũ giáo viên chuyên, nhất là giáo viên Tiếng Anh và Tin học rất có năng lực. Có cùng chung một số khó khăn như Tiểu học Nam Đồng, trường Tiểu học Nam Tiến còn có thêm những khó khăn từ chính học sinh và giáo viên. Đó là: nhiều giáo viên chưa có nhận thức đúng về văn hóa đọc, về giáo dục STEM, chưa tích cực học hỏi, rất ngại đổi mới, đa số học sinh chưa có thói quen đọc sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và xuống cấp nghiêm trọng.

           Mặc dù là trường ở vùng nông thôn, nơi học sinh được thường xuyên tiếp xúc thế giới tự nhiên, nơi có môi trường rất thuận lợi để học sinh tự trải nghiệm, tự thực hành giúp tích lũy kiến thức và hình thành kĩ năng sống, song học sinh của cả hai nhà trường đều chưa nhận được sự giáo dục đúng của cả gia đình và nhà trường nên rất nhiều em thiếu hiểu biết về thế giới thân thuộc xung quanh mình, thiếu kĩ năng sống. Triển khai giáo dục STEM chính là con đường để giải quyết vấn đề trên.

Nội dung triển khai và kết quả đạt được.

Học sinh ở bậc tiểu học của tỉnh Nam Định được học 2 buổi/ ngày với nội dung, chương trình có sự quy định chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn nên khi triển khai giáo dục STEM, chúng tôi đưa vào hoạt động ngoài giờ chính khóa dưới hình thức Câu lạc bộ (CLB)

          Năm học 2015-2016, CLB STEM của trường tiểu học Nam Đồng có 32 học sinh, chủ yếu là những em đã được trải nghiệm tại Ngày hội STEM Quốc gia lần thứ nhất. Nội dung hoạt động được chúng tôi lấy từ 12 cuốn sách trong bộ Tập làm nhà phát minh của nhà sách Long Minh.  Chúng tôi chọn trong đó những sản phẩm STEM phù hợp với các em như: làm điện thoại, làm tên lửa, làm tàu thủy, làm chong chóng, làm xe đua, …. để xây dựng chương trình hoạt động. GV phụ trách hướng dẫn các em làm sản phẩm, sau đó giúp các em tập viết thuyết trình về sản phẩm của mình và đưa ra ý tưởng cải tiến nó. Mỗi tuần, CLB có 2 buổi sinh hoạt vào chiều thứ tư và thứ bảy hàng tuần. Các em tham gia rất hào hứng, sản phẩm của các em làm ra được trưng bày rất trang trọng và được học sinh trong trường rất thích thú. Kết hợp vào hoạt động của ngày lễ trong năm học, chúng tôi tổ chức cho các CLB báo cáo kết quả hoạt động bằng sản phẩm. CLB STEM tổ chức triển lãm bán bán sản phẩm do mình làm ra. Số tiền thu được dùng để liên hoan, mua bổ sung dụng cụ, vật liệu thực hành, ủng hộ bạn nghèo.

a4 a5

           Năm học 2016-2017, do số lượng học sinh đăng kí nhiều hơn, chúng tôi chia thành CLB STEM của K1,2,3 và CLB STEM của khối 4+5. Ngoài sách của Long Minh, chúng tôi tham khảo thêm tài liệu và tìm kiếm hoạt động STEM phù hợp với học sinh trên internet. Ngoài STEM tái chế, chúng tôi bổ sung thêm một số hoạt động thí nghiệm khoa học vui, phù hợp với hiểu biết của học sinh tiểu học. Trong năm học này, dưới sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, chúng tôi đã tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên môn cấp huyện về GD STEM cho cán bộ quản lý và  giáo viên cốt cán của các nhà trường. Cùng với các CLB khác, CLB STEM đã trưng bày rất nhiều các sản phẩm và còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho rất nhiều thầy cô giáo và học sinh tham gia.

a7 a8
a9 a10
a12 a11

         Để chuẩn bị cho triển khai STEM robot cho năm học 2017-2018 tại trường tiểu học Nam Đồng, cuối tháng 5/ 2017, tôi đã liên hệ trực tiếp với Công ty Kidscode mua robot và tổ chức tập huấn cho giáo viên. Ban giám hiệu chúng tôi cùng với 5 thầy cô giáo trẻ đã lên tận công ty (lúc đó đặt tại tòa B5, chung cư Green Star) để được trực tiếp hướng dẫn.

         Tháng 8/2017, phòng GD&ĐT huyện Nam Trực chúng tôi đã mời Liên minh STEM  tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của tất cả các nhà trường về giáo dục STEM và lập trình robot.

        Năm học 2017-2018, tại trường tiểu học Nam Tiến (tháng 8/2017 tôi chuyển công tác về Nam Tiến), do chưa có hoạt động STEM và cũng chưa có giáo viên được tập huấn kĩ nên trên cơ sở các nội dung đã triển khai tại Nam Đồng, tôi đã rất sát sao hướng dẫn cho giáo viên thành lập và tổ chức hoạt động CLB STEM. Với ý định sẽ triển khai STEM robot cho học sinh nên trong học kỳ I của năm học, chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện: mua và tìm hiểu về robot, cùng với giáo viên Tin học nghiên cứu xây dựng hệ thống bài học và tổ chức một buổi cho học sinh trải nghiệm với robot. Học kỳ 2 của năm học 2017-2018, chúng tôi bắt đầu triển khai STEM robot tại Tiểu học Nam Tiến và nhờ có sự chuẩn bị tốt cộng với tâm huyết của đồng chí giáo viên Tin học, nhóm STEM robot hoạt động rất hiệu quả. Câu lạc bộ STEM Nam Tiến đã để lại ấn tượng rất tốt cho các đơn vị bạn trong Ngày hội STEM huyện Nam Trực lần thứ nhất với rất nhiều sản phẩm STEM và các hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt STEM robot của Nam Tiến có 3 đội tham gia thi cuộc thi Robotics chủ đề Xâu chỉ vỏ ốc đã giành 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải khuyến khích.

60343931_2310005375935871_5501427088369909760_n NH
hoi 1

Trong quá trình triển khai các hoạt động của CLB STEM, chúng tôi đã chú ý đến công tác bồi dưỡng giáo viên cả về tư tưởng và chuyên môn với ý định năm học 2018-2019 sẽ triển khai STEM tái chế theo đơn vị lớp dưới hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Kết quả hoạt động các CLB nói chung và STEM nói riêng của nhà trường đã làm nên động lực, niềm cảm hứng cho giáo viên và học sinh trong trường, phụ huynh rất phấn khởi, nhận thức về đổi mới giáo dục có chuyển biến tích cực. Các CLB của nhà trường được duy trì suốt trong thời gian hè, tạo những sân chơi rất bổ ích, lý thú cho các em.

            Đến thời điểm này, giáo dục STEM được chúng tôi hiểu linh hoạt hơn. Nó là định hướng giúp chúng tôi sáng tạo trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. Hoạt động của CLB Mĩ thuật không chỉ đơn thuần là tạo nên những bức tranh, chúng tôi đã lồng vào đó các kiến thức toán học, kĩ thuật. Hình khối tự nhiên của những phế liệu bỏ đi như sỏi, đá, vỏ ốc, vỏ sò, vỏ lạc, cành cây, …hay cách làm khô cỏ, cây, hoa, lá tươi để đưa vào tranh được chúng tôi khai thác triệt để. Việc tổ chức làm việc theo nhóm cũng đã giúp các em chủ động hợp tác giải quyết các vấn đề nêu ra. Chúng tôi đã chỉ đạo cho các tổ chuyên môn nghiên cứu lại nội dung chương trình các môn học, các bài học, cho phép giáo viên sắp xếp các bài học thành chủ đề có thể dạy theo  hướng STEM. Chúng tôi đã chọn một chủ đề của khối 5, cùng với giáo viên thiết kế các hoạt động và tổ chức dạy minh họa cho giáo viên toàn trường. Trên cơ sở thảo luận sau tiết dạy, chúng tôi chỉ đạo các tổ chuyên môn chọn một chủ đề của khối lớp mình, cùng nhau thiết kế các hoạt động dạy học và tổ chức dạy minh họa, thảo luận kĩ tiết dạy để áp dụng cho khối lớp mình. Đây là nội dung mới, đòi hỏi nhiều công sức và năng lực của giáo viên nên mới chỉ có 8 tiết học được thực hiện.


Năm học 2018-2019, chúng tôi triển khai STEM tái chế theo đơn vị lớp, dưới hình thức hoạt động ngoài giờ chính khóa. Người thực hiện nội dung này là giáo viên chủ nhiệm, mỗi khối lớp xây dựng một chương trình hoạt động chung, căn cứ vào đó, giáo viên hướng dẫn học sinh chuẩn bị các vật liệu tái chế, dụng cụ và dự kiến các hoạt động tổ chức cho học sinh. Đã bắt đầu có tham gia của phụ huynh vào hoạt động này. CLB STEM triển khai 2 nội dung STEM nông nghiệp và STEM robot. Chúng tôi tổ chức cho học sinh trồng các loại cây dược liệu như cây sả, nghệ, bạc hà, hoa hồng, quất… sau đó thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chế biến được như: nước hoa hồng, kem nghệ, tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả. STEM robot là nội dung được hưởng ứng tích cực, nhiều học sinh bị cuốn hút, nhiều phụ huynh có nguyện vọng cho con em mình tham gia. Khó khăn lúc này của nhà trường là rất thiếu thiết bị (robot ít, hay hỏng, không có máy tính độc lập để học lập trình mà phải phụ thuộc vào phòng Tin học), chúng tôi mua linh kiện và tự sửa chữa robot (điều này giúp giáo viên và học sinh có thêm được rất nhiều kiến thức bổ ích), mượn máy tính xách tay của giáo viên và phụ huynh cho các em học.

             Năm học 2018-2019, các CLB của trường tiểu học Nam Tiến nói chung và CLB STEM nói riêng đã có nhiều hoạt động, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. STEM robot có 5 đội tham gia và mang về 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích trong cuộc thi Robotics lần thứ hai do Phòng GD&ĐT huyện Nam Trực tổ chức nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Giáo viên phụ trách và học sinh của STEM robot đã được mời tham gia trình diễn robot tại Ngày hội toán học mở tại thành phố Hồ Chí Minh, tại Ngày hội STEM tỉnh Bắc Ninh.

           Với mục đích tạo cơ hội cho học sinh, giáo viên có dịp nhìn lại những kiến thức, kĩ năng mà bản thân tích lũy được trong quá trình học tập, rèn luyện; khuyến khích và đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh; tạo môi trường thân thiện, tích cực để giáo viên, học sinh có điều kiện giao lưu học tập, tạo cho học sinh một sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp phụ huynh học sinh và xã hội nhận thức đúng về đổi mới giáo dục, ngày 16/2/2019, chúng tôi đã tổ chức ngày hội Chào xuân 2019. Lấy ý tưởng từ câu chuyện Alice ở xứ sở thần tiên, ngày hội Chào xuân 2019 của trường Tiểu học Nam Tiến là tổng hòa, liên kết các tiết mục văn hóa, văn nghệ, võ thuật, thí nghiệm khoa học vui, ảo thuật, biểu diễn thời trang, …. Thông qua đó, học sinh được thể hiện các kiến thức, kĩ năng đã được tiếp thu, rèn luyện được như kĩ năng tổ chức sự kiện, kĩ năng biểu diễn, kĩ năng nói tiếng Anh, kiến thức về văn hóa, xã hội, về khoa học, kĩ thuật,… Ngoài nội dung sân khấu hóa, ngày hội còn có các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các câu lạc bộ như các sản phẩm của STEM tái chế, STEM nông nghiệp, sản phẩm viết chữ đúng đẹp, sản phẩm Mĩ thuật, … Đặc biệt, tham gia ngày hội, giáo viên, học sinh và phụ huynh của các em còn được trực tiếp trải nghiệm làm các thí nghiệm khoa học vui như thí nghiệm: vũ điệu của sữa, núi lửa phun trào, mực tàng hình, đèn lava, nến bay,…, làm các mô hình kĩ thuật như: tên lửa nước, xe ô tô đua, tàu thủy, … và tham gia lập trình và điều khiển robot biểu diễn trên sa bàn cùng học sinh của STEM robot.

          Các biện pháp triển khai giáo dục STEM

         Nâng cao nhận thức: Đây là vấn đề tiên quyết, lãnh đạo nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh phải đồng thuận. Để làm được điều đó, chúng tôi đã có những buổi nói chuyện hết sức chân thành, dân chủ với từng đối tượng. Đối với cán bộ giáo viên, chúng tôi mở hội nghị chuyên đề ngay trong hè về xây dựng kế hoạch giáo dục. Mọi giáo viên đều có quyền và nghĩa vụ tham gia đóng góp vào dự thảo kế hoạch. Dự thảo kế hoạch có nội dung cụ thể về triển khai việc đọc sách, việc tổ chức hoạt động câu lạc bộ, trong đó có STEM. Ban đầu, ở cả 2 nhà trường chúng tôi đều nhận được nhiều ý kiến phản đối, cho rằng chương trình đã nặng, áp lực thi cử lớn nếu không tập trung dạy học các môn thi thì chất lượng sẽ đi xuống, giáo viên đã có quá nhiều việc, …. Chúng tôi đã thuyết phục đội ngũ bằng cả lý luận và thực tiễn. Việc đọc sách hay triển khai các CLB, nhất là STEM ngoài việc giảm căng thẳng trong học tập, giúp học sinh thư giãn để sau đó học bài tốt hơn còn hỗ trợ rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng. Học sinh tiếp thu được nhiều kiến thức, kĩ năng hơn, phát triển tư duy tốt hơn, hiểu biết sâu sắc hơn, khả năng tự học tốt hơn và đặc biệt là môi trường giúp phát huy năng khiếu, năng lực của học sinh mà các giờ chính khóa khó thực hiện được. Chúng tôi đã đưa ra những đơn vị đã thực hiện và kết quả họ đã làm được (chúng tôi biết được từ các lần tham gia ngày hội STEM, các buổi giao lưu, chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài tỉnh). Đối với cha mẹ học sinh, chúng tôi cũng dành rất nhiều thời gian trong mỗi dịp gặp gỡ hoặc các cuộc họp để tuyên truyền về định hướng đổi mới và kế hoạch giáo dục của nhà trường.

            Một thuận lợi rất cơ bản cho chúng tôi, đó là các cấp lãnh đạo luôn ủng hộ, khuyến khích chúng tôi đổi mới, đặc biệt là trong việc phát triển văn hóa đọc và giáo dục STEM.

           Truyền cảm hứng: Lãnh đạo nhà trường chúng tôi luôn đồng hành cùng với giáo viên trong việc triển khai những vấn đề mới. Là những người tích cực nhất trong việc học hỏi, chia sẻ, cùng với giáo viên giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc, động viên khích lệ rất kịp thời (chủ yếu là tinh thần). Việc làm của chúng tôi đã lan tỏa đến đội ngũ giáo viên của mình, họ cuốn theo tinh thần làm việc chung của tập thể.

           Tích cực tự học, tự bồi dưỡng:

          Ngoài tham gia đầy đủ, tích cực các đợt tập huấn của Phòng GD&ĐT và tổ chức tập huấn cho nhau, người biết dạy người chưa biết, cô học trước, trò học sau, chúng tôi còn chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ của những người có chuyên môn. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của Kidscode, của Liên minh STEM, …. Chúng tôi cũng tham gia nhiều hoạt động STEM như: Ngày hội STEM Quốc gia lần thứ nhất tại Đại học Bách Khoa, Ngày hội STEM Quốc gia lần thứ ba tại Cục Thông tin, khoa học và công nghệ Quốc gia, Ngày hội STEM của tỉnh Hà Giang, Chia sẻ với các thầy cô giáo của Quận Kiến An, Hải Phòng, Ngày hội toán học mở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội STEM lần thứ nhất của huyện Nam Trực, … Chúng tôi không ngại ngần trong việc giao lưu, chia sẻ với mục đích có thêm nhiều sáng kiến, kinh nghiệm để làm đúng hơn, tốt giáo dục STEM và các nội dung giáo dục khác.

           Huy động và sử dụng kinh phí hợp lý: Làm STEM có cần kinh phí không? Xin thưa là càng nhiều càng tốt. Vậy kinh phí ít có làm được không? Câu trả lời là: Có. Vấn đặt ra là sử dụng kinh phí thế nào cho hợp lý?

            Khi mới bắt đầu triển khai STEM chúng tôi hoàn toàn sử dụng ngân sách. Với nguồn ngân sách ít ỏi, chúng tôi dành hỗ trợ chi trả công cho giáo viên, mua một số dụng cụ, thiết bị, vật liệu như: keo, súng bắn keo, dao, kéo, pin, dây thun, sơn… cho học sinh hoạt động. Vật liệu cho học sinh thực hành là do giáo viên, học sinh sưu tầm từ những vật dụng bỏ đi như vỏ chai, vỏ lon, vỏ hộp, giấy báo, ống hút, que kem, … Những năm sau đó, khi hoạt động STEM đã có hiệu quả, cuốn hút được học sinh, phụ huynh học sinh cũng hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn, chúng tôi kêu gọi phụ huynh hỗ trợ kinh phí để mua thêm trang thiết bị hoạt động và chi trả thêm thù lao cho giáo viên.  Chúng tôi đã xây dựng rõ kế hoạch hỗ trợ chi trả thù lao cho giáo viên, kế hoạch mua sắm trang thiết bị, công khai kế hoạch này khi kêu gọi phụ huynh hỗ trợ kinh phí.

           Lời kết

Lần đầu được nghe giới thiệu về STEM, chúng tôi đã vô cùng choáng ngợp, nghĩ rằng nó rất hàn lâm, những trường ở vùng nôn thôn như mình khó có thể làm được. Song nhờ có sự giúp đỡ của các anh chị trong Liên minh STEM, của bạn bè đồng nghiệp, sự ủng hộ, cổ vũ, động viên của cấp trên, đặc biệt là việc thực làm đã giúp chúng tôi hiểu đúng hơn, sâu hơn về STEM, giúp chúng tôi tự tin khi nghĩ rằng: chúng tôi đã, đang và sẽ mang đến cho học sinh của mình một môi trường giáo dục tốt nhất để các em có thể phát huy tối đa khả năng của mình.

(Lê Thị Hạnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Tiến, Huyện Nam Trực, Tỉnh Nam Định. Tháng 5/2019)